Saturday, July 3, 2010

Ông Trương Gập với sáng kiến “hầm khí sinh học” phục vụ bà con nông dân

Ông Trương Gập với sáng kiến “hầm khí sinh học” phục vụ bà con nông dân
2007-11-05

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Dự án sử dụng khí sinh học (biogas) từ các chất thải chăn nuôi tại Việt Nam nhận được Giải Thưởng Năng Lượng Tòan Cầu 2006 do Liên Hiệp Quốc trao tặng. Dự án vừa nêu do Cục Chăn Nuôi thuộc Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn Việt Nam triển khai, với sự tài trợ của chính phủ Hà Lan.

* Bấm vào đây để nghe tiết mục này
* Download story audio

Hầm khí sinh học dưới lòng đất của gia đình ông Phạm Thuận ở xã Bình Lộc (TX Long Khánh). Hình của báo Khoa Học và Công Nghệ.

Trong khi đó cũng có một người lâu nay góp phần trong hoạt động tận dụng nguồn khí sinh học cho bà con nông dân tại nhiều nơi trên cả nước, đó là ông Trương Gập tại Đà Nẵng. Vậy hầm khí sinh học (biogas) của ông Trương Gặp ra sao? Gia Minh trình bày vấn đề liên quan trong chương mục Sáng Kiến & Đời Sống tuần này.

Hệ thống hầm khí sinh học của ông Trương Gập

Đối với vấn đề về sự giống và khác nhau nếu có giữa các hệ thống hầm khí sinh học (biogas) thì ông Trương Gập đưa ra giải thích cũng như ông có giới thiệu về hệ thống hầm khí sinh học do ông thiết kế ra.

Ông Trương Gập: Các mô hình trên thế giới này thì tôi đều nắm rõ. Các mô hình Đức và Thái Lan, kể cả mô hình của Ấn Độ, tôi đều nắm chặt hết. Mô hình của tôi khác hơn những mô hình khác. Thứ nhứt, mô hình của tôi vận hành dễ, tuổi thọ cao, hợp vệ sinh, và phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam. Trong đó có đường phân huỹ dài, dài hơn của họ gấp đôi. Khi tôi thay đường phân huỹ dài thì nó cho khí gas nhiều và mùi hôi giảm thiểu.

Mô hình của tôi có nhiệt độ ổn định. Một điều nữa là lượng methane nhiều hơn các mô hình khác, được hơn 70% methane trong hỗn hợp khí gas. Đồng thời như vậy là khi tôi có đường phân huỹ dài thì ấu trùng và hạt trong phân giảm thiểu, không còn tái sinh được nữa, không gây dịch bệnh khi đầu thải ra (BOD) để đem làm phân bón. Nó khác hơn các mô hình khác là như vậy.

Gia Minh: Mô hình lâu nay của các cơ quan chức năng khác như là Cục Chăn Nuôi thì họ làm mô hình chung?

Ông Trương Gập: Hoặc như mô hình của huyện Duy Thiện ở ngoài Bắc thì họ làm hình hộp, còn tôi thì tôi làm mô hình vòm, mô hình ống trống. Như vậy là mô hình khoá van bằng tự động và khoá van bằng ống áp suất, thành thử nó khác hơn với mô hình khác một chút xíu thôi. Trong thông số của các mô hình khác thì đường phân huỹ của họ có 60 đến 70 ngày, nhưng của tôi được đến 100, đến 130, đến 150 ngày.

Đường phân huỹ của tôi dài thì đường phân huỹ dài cho mình khí gas nhiều, mùi hôi sẽ giảm thiểu và ấu trùng sẽ không tái sinh được. Đó là ưu điểm của đường phân huỹ dài. Đường phân huỹ dài thì nhiệt độ ổn định. Nhiệt độ của tôi được 28 độ (C) trong hầm, không thay đổi, chỉ thay đổi một vài độ trong thời tiết khí hậu Việt Nam thôi.

Gia Minh: Khi xây đường ống dài như vậy thì giá thành của xây dựng và các nguyên vật liệu có nhiều hơn không?

Ông Trương Gập: Thì nó cũng có chênh lệch nhưng mà các khoản kia nó bù đắp vào thì giá thành sẽ trở thành chấp nhận được. Chẳng hạn như tuổi thọ cao, vận hành dễ, và nó cho mình khí gas nhiều cũng như các thông số khác nó cho mình lợi ích khác thì nó sẽ bù đắp vào cái khoản kinh phí của xây dựng ban đầu.

Ứng dụng thực tế trên cả nước

Gia Minh: Từ lâu nay ông đã xây dựng được cho những nơi nào ở Việt Nam?

Ông Trương Gập: Từ Quảng Bình đến Cà Mau. Nói tóm lại tôi xây dựng trong cộng đồng dân cư, phục vụ cho các lò mổ, các trang trại chăn nuôi lớn. Và tôi đã đưa công nghệ này vào cho vùng sâu vùng xa, chẳng hạn như người dân tộc Katu.

Gia Minh: Lâu nay đã có những trở ngại nào khiến ông phải đến khắc phục không?

Ông Trương Gập: Có chớ. Trong vận hành cũng có một vài trở ngại, nhưng không có trở ngại đáng kể. Ví dụ họ điện thoại tới hỏi "Bác ơi, răng cái bếp nó đang đỏ rứa mà chừ nó riu riu?" thì mình hướng dẫn họ thông cái ống đồng. Họ dở quyển hướng dẫn vận hành ra họ thấy ống đồng ở chỗ nào trong quyển hướng dẫn vận hành thì họ sẽ thông cái ống đồng và nó đỏ. Nó đỏ rồi thì họ alô lại "Bác ơi, đỏ được rồi". Rứa thôi chớ không có cái chi trở ngại lớn.

Gia Minh: Ông đã thực hiện mấy năm nay, từ năm 1980 phải không ạ?

Ông Trương Gập: Dạ.

Gia Minh: Qua thời gian dài như vậy thì ông có những cải tiến gì không?

Ông Trương Gập: Nói thật là nó như thế này. Mặc dầu là mình thiết kế ra cái mô hình, nhưng phải gọi là chưa hoàn chỉnh vì cái này chưa qua trường trại nào cả, chưa qua cái viện nào cả. Thành thử mình tự làm rồi tới khi hoàn chỉnh rồi thì mình mới công bố. Như vừa rồi tôi ra Hà Nội thì nhà báo họ hỏi tôi tại sao lại 20 năm như vậy là quá chậm. Tôi nói rằng không chậm, vì lý do khoa học thì phải hoàn chỉnh đã mới cất cánh, chứ còn chưa hoàn chỉnh mà anh cất cánh thì nó sẽ trượt đường băng hoặc nó rơi ngay trên sân ga.

Người sử dụng đánh giá cao

Gia Minh: Còn những người đang sử dụng loại hầm khí biogas do ông Trưong Gập thiết kế đánh giá ra sao về loại hầm này? Ông Thái Hồng Châu, trưởng trạm y tế xã Duy An (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), nơi có hầm khí sinh học do ông Trương Gập thực hiện lau nay, cho biết:

Ông Thái Hồng Châu: Xây dựng từ năm 1985, coi như bây giờ là 20 năm rồi đấy, mà còn sử dụng tốt đấy. Tôi làm điển hình cho cái đầu tiên của Uỷ Ban Khoa Học Kỹ Thuật người ta làm, và anh Gập làm đó mà. Tôi thấy thông tin bây giờ trên báo chí người ta nói hệ thống biogas bây giờ được cải tiến tốt hơn. Bởi vì tôi làm hổi đó có 5 khối thôi cho nên lượng khí không đầy đủ, không cung cấp đủ.

Gia Minh: Nó không cung cấp đủ là bởi vì chất thải đưa vào không đầy đủ hay sao ạ?

Ông Thái Hồng Châu: Đó là một phần, và đồng thời nó bị hay nghẹt bởi vì đầu ra, tức cái thải ra đó.

Gia Minh: Nó hơn 20 năm rồi, nhưng bây giờ ông có yêu cầu ông Trương Gập đến chỉnh lại không ạ?

Ông Thái Hồng Châu: Có đấy. Đầu ra, tức đầu phân thải ra - hết khí rồi đưa ra, thải ra ngoài thì nó hay ách tắc lắm. Sau đó, anh Gập ảnh chỉnh lại, tức ảnh mở rộng ra và ảnh cho một ống khác nữa thì như vậy nó thông thoáng hơn. Nhưng phần lớn của tập thể người ta ít chăm sóc lắm, bởi vì cha chung không ai khóc, người ta ít chăm sóc cho nên đầu vào (phân đưa vào) không có cho nên đầu ra cũng không có. Ở tư nhân người ta tốt hơn. Phần lớn khí biogas tư nhân tốt hơn là tập thể. Tư nhân người ta chăm sóc hàng ngày để có lượng khí dùng cho gia đình thì tất nhiên họ sẽ lo lắng hơn.

Gia Minh: Bản thân nhà ông có xài không ạ?

Ông Thái Hồng Châu: Tôi đương xài đó.

Gia Minh: Chăm sóc thì chăm sóc như thế nào để có hiệu quả?

Ông Thái Hồng Châu: Tức là anh phải có đầu vào (phân) thường xuyên và đường dây ống. Thường thường ống hay nghẹt nên mình phải thường xuyên theo dõi. Bên tập thể ngưòi ta ít làm cái đó lắm. Đường ống mà tốt thì không có mùi hôi. Nếu đường ống mà rỉ thì là mất khí rồi. Đường ống thì là ống nhựa thôi. Ống dẫn khí là ống nhựa thôi nên không tốn kém chi nhiều. Chỉ có tốn kém là cái bếp ga đó. Một năm nó hư phải thay.

Gia Minh: Dân nông thôn thì họ có khả năng đáp ứng những yêu cầu đó không ạ?

Ông Thái Hồng Châu: Nông thôn họ sử dụng được vì họ có nuôi heo. Họ sử dụng cái đó tốt đó, vừa giải quyết môi trường vừa có khí đốt.

Nhận xét của giới chuyên môn

Gia Minh: Ông Đoàn Ngọc Đấu, Chủ tịch Liên Hiệp Các Hội Khoa Học thuộc thành phố Đà Nẵng, có đánh giá về ông Trương Gập và công trình hầm khí sinh học (biogas) của ông này như sau:

Ông Đoàn Ngọc Đấu: Về cái biogas thì cái này về mặt lý thuyết thì có lâu rồi nhưng đặc biệt ông Gập ổng rất tích cục làm và ổng đã đưa cái khoa học đấy về nông thôn mà. Và ổng đưa sang cả bên Lào nữa để ổng làm. Như vậy tác dụng tức là vấn đề môi trường, như vậy là giải quyết được lấy phân các thứ này kia biến thành ga mà. Cho nên cái này là nó có giá trị về mặt vệ sinh, thế là tốt.

Còn đối với ở thành phố thì như vậy những chỗ có biogas làm cho vệ sinh nó khỏi hôi hám các thứ này kia trong khu phố mà, trong thành phố. Ổng vừa đi làm, tức là triển khai dịch vụ của ổng cho các nơi.

Ở đây và cả khu Miền Trung này gần như ổng đi các nơi ở Miền Trung. Có nhiều sinh viên bên Pháp qua nghiên cứu. Đối với mình thì cũ rồi nhưng mình làm nên nó qua đây nó học tập, nó làm các dự án, các thứ này kia, cho nên có tài trợ của Pháp nữa.

Gia Minh: Như ông nói đó, không phải là mới, nhưng mà những hầm do ông Trương Gập xây có ưu điểm gì, theo như sự đánh giá của ông?

Ông Đoàn Ngọc Đấu: Về ưu điểm thì gần như là bí mật của ổng. Tức là ổng xây dựng với số lượng xi măng, sắt thép thì ít mà đảm bảo được ổn định. Tức là ổng đã có kinh nghiệm. Cái này thì mình không biết kinh nghiệm của ổng. Ổng giữ bí mật đó. Ổng đi làm cho các nơi, giá thành rẻ, khoảng một triệu rưỡi một hầm, rẻ hơn các nơi khác. Ổng làm hầm dưới đất bằng các vật liệu tương đối tiết kiệm cho nên ổng làm hơn các trung tâm khác.

Gia Minh: Và những nơi khác họ có đến để học hỏi không ạ?

Ông Đoàn Ngọc Đấu: Ồ! Nhiều anh đến học hỏi lắm. Các tỉnh ở Miền Trung nhiều nơi đến học hỏi đó.

Gia Minh: Năm ngoái chương trình hầm khí sinh học biogas này của Cục Chăn Nuôi được giải thưởng năng lượng toàn cầu của Liên Hiệp Quốc trao, nhưng tại sao Đà Nẵng lại không đề cử ông này ạ?

Ông Đoàn Ngọc Đấu: Tôi cũng thắc mắc đó. Như vậy là ngoài kia, hổng phải ngoài kia, nhưng mà đứng về mặt thực hiện thì ở dây là hơn đó. Tức là ổng có chú ý làm và làm cho nhiều nơi và mang lại hiệu quả kinh tế, người ta tín nhiệm. Nhưng ngoài kia thì nó cũng chỉ là tuyên truyền thôi chứ không làm mấy. Hôm phát thưởng tôi cũng có dự đấy mà, tôi cũng hơi thắc mắc, nhưng mà (cười).

Gia Minh: Vậy thì Hội lâu nay có hỗ trợ gì thêm cho ông Trương Gập không?

Ông Đoàn Ngọc Đấu: Chỉ hỗ trợ tinh thần thôi. Tôi cũng có nói như vậy là ông cố gắng. Các thứ đại khái của nước ngoài, như Pháp này kia nó ủng hộ giúp đỡ để ổng làm, để họ đưa sinh viên qua thực tập. Nhưng ông này ổng giỏi, ổng có kinh nghiệm. Ổng được các nơi tín nhiệm.

Gia Minh: Mục Sáng Kiến & Đời Sống hôm nay tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quý thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làm sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Biogas_system_developed_by_a_selft-taught_inventor_in_DaNang_GM-20071105.html

No comments:

Post a Comment